Tết Nguyên đán là dịp để doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến người lao động, nhưng liệu công ty có nghĩa vụ tặng quà Tết hay có quyền yêu cầu làm việc trong những ngày này? Hãy cùng FUNDGO LAW khám phá các quy định pháp lý để hiểu rõ hơn.
![](https://fundgolaw.vn/wp-content/uploads/2025/01/Bia-1-1024x475.png)
Công ty có nghĩa vụ tặng quà Tết cho người lao động không?
Theo khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động:
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
“…
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.”
Theo quy định trên, việc tặng quà vào các dịp lễ, Tết không phải là nghĩa vụ đối với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu trong Thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế nội bộ của doanh nghiệp có quy định về việc tặng quà hoặc tặng thưởng, thì công ty sẽ thực hiện theo những cam kết này.
Việc tặng quà trong dịp lễ, Tết không chỉ thể hiện sự quan tâm, mà còn là một hình thức khuyến khích, động viên tinh thần cho người lao động, qua đó góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực hơn. Chính vì vậy, hiện nay các doanh nghiệp đều có xu hướng áp dụng hình thức này như một phần trong chính sách chăm sóc, tri ân nhân viên mình.
Công ty có quyền yêu cầu người lao động làm việc trong dịp Tết Âm lịch không? Nếu vi phạm, mức phạt là bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện sử dụng lao động làm thêm giờ, quy định như sau:
Điều 107. Làm thêm giờ
“…
2. Người sử dụng lao động được phép sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Phải có sự đồng ý của người lao động;
b) Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày. Trong trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 40 giờ trong một tháng;
c) Tổng số giờ làm thêm của người lao động không vượt quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số ngành nghề đặc biệt (quy định tại Khoản 3 Điều 107).”
Theo quy định này, người lao động không phải đi làm vào ngày Tết Âm lịch. Việc làm thêm giờ trong dịp Tết chỉ có thể thực hiện nếu người lao động tự nguyện đồng ý.
Nếu công ty cố tình ép buộc người lao động làm việc mà không có sự đồng ý, sẽ vi phạm quy định pháp luật về thời giờ làm việc và bị xử phạt. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi huy động lao động làm thêm giờ không có sự đồng ý sẽ bị phạt:
Khoản 3 Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơ
“…
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
a) Thực hiện thời giờ làm việc quá số giờ quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động.”
Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân vi phạm, và đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt của cá nhân, theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, công ty có thể yêu cầu người lao động làm việc vào ngày Tết Âm lịch mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm. Điều này được quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Điều 108. Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt
“Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo Điều 107, và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, trừ trường hợp công việc có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người lao động theo quy định về an toàn lao động.”
Nếu công ty yêu cầu người lao động làm việc trong những tình huống đặc biệt này, sẽ không vi phạm các quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi.
Trên đây là một số thông tin pháp lý về một số quyền và nghĩa vụ của Người sử dụng lao động và Người lao động vào dip Tết âm lịch. Mọi thắc mắc, cần tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH FUNDGO LAW qua Hotline: 0812 469 090 hoặc Email: [email protected]
Trân trọng!